Nền Tảng IoT (IoT Platform) Là Gì?
Nguồn: Calum McClelland, leverege.com, 2017
Cho dù bạn là người mới làm quen với IoT hay một người giàu kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, thì bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ “Nền tảng IoT” trước đây. Tại thời điểm bài viết hoàn thành, đã có hơn 300 nền tảng IoT tính đến năm ngoái và con số này tiếp tục tăng nhanh (hiện tại đã có hơn 700 nền tảng). Thị trường Nền tảng IoT đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 33%.
Nền tảng IoT là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái IoT, nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu rõ Nền tảng IoT chính xác là gì.
Trong bài viết này, tác giả sẽ cung cấp những khái niệm cơ bản, không mang tính kỹ thuật về nền tảng IoT. Chúng là gì và khi nào các doanh nghiệp nên sử dụng chúng.
Vậy nền tảng IoT chính xác là gì?
Để hiểu nền tảng IoT là gì, trước tiên bạn cần hiểu một chút về các thành phần của một hệ thống IoT hoàn chỉnh.
Một hệ thống IoT hoàn chỉnh cần có phần cứng, chẳng hạn như cảm biến hoặc thiết bị cuối. Các cảm biến và thiết bị này thu thập dữ liệu từ môi trường (ví dụ: cảm biến độ ẩm) hoặc thực hiện các hành động trong môi trường (ví dụ: tưới cây).
Một hệ thống IoT hoàn chỉnh cần có sự kết nối. Các phần cứng cần một giao thức để truyền tất cả dữ liệu đó lên đám mây (ví dụ: gửi dữ liệu độ ẩm) hoặc cần một cách để nhận lệnh từ đám mây (ví dụ: tưới cây ngay bây giờ). Đối với một số hệ thống IoT, có thể có một bước trung gian giữa phần cứng và đám mây, chẳng hạn như bộ điều khiển trung tâm gateway.
Một hệ thống IoT hoàn chỉnh cần có phần mềm. Phần mềm này được lưu trữ trên đám mây và chịu trách nhiệm phân tích dữ liệu mà nó thu thập từ các cảm biến (ví dụ: từ dữ liệu độ ẩm quá cao do trời vừa có mưa và sau đó yêu cầu hệ thống tưới tiêu không bật).
Cuối cùng, một hệ thống IoT hoàn chỉnh cần có giao diện người dùng. Để làm cho hệ thống IoT có thể hoạt động, cần phải có một giao diện để người dùng tương tác, điều khiển (ví dụ: ứng dụng web hoặc app hiển thị độ ẩm và cho phép người dùng bật hoặc tắt hệ thống tưới).
Nền tảng IoT là 1 thành phần để hỗ trợ kết nối mọi thứ trong hệ thống IoT. Nền tảng IoT tạo điều kiện cho các thiết bị giao tiếp, luồng dữ liệu, quản lý thiết bị và chức năng của các ứng dụng.
Nền tảng IoT giúp:
- Kết nối phần cứng
- Xử lý các giao thức giao tiếp khác nhau
- Cung cấp bảo mật và xác thực cho thiết bị và người dùng
- Thu thập, trực quan hóa và phân tích dữ liệu
- Tích hợp dữ liệu với các bên thứ 3
Khi nào các doanh nghiệp nên sử dụng nền tảng IoT?
Bởi vì IoT là một hệ thống kết nối vạn vật, vì thế hiếm có tổ chức nào có chuyên môn về tất cả các lĩnh vực liên quan tới IoT. Nền tảng IoT giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong việc xây dựng những giải pháp thông minh mà không cần phải tự phát triển đội ngũ IoT riêng cho mình.
Ví dụ: doanh nghiệp của bạn đang làm rất tốt trong việc phát triển phần cứng và muốn làm cho phần cứng của mình trở nên “thông minh”. Thay vì quá tốn kém chi phí và thời gian để thuê các kĩ sư phần mềm xây dựng ứng dụng, thay vào đó bạn có thể sử dụng nền tảng IoT để nhanh chóng có được ứng dụng web/app và đưa vào vận hành.
Trên đây là một vài thông tin cơ bản về nền tảng IoT – một phần không thể thiếu trong kết nối vạn vật.
Một nền tảng được phát triển bởi người Việt liệu có đáp ứng những yêu cầu trên??
Bài viết giới thiệu quá chi tiết về nền tảng IoT. Cảm ơn ad ạ.
Ở nước ngoài thì mình thấy có khá nhiều platform nổi tiếng như Ayla hoặc Oracle, tuy nhiên vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp vietNam sử dụng để tiết kiệm chi phí và thời gian build giải pháp IOT. Nếu như Việt Nam mình có một platform nào ok thì quá tốt cho các bạn sinh viên, startup, tập đoàn bđs build gp IoT.